Chọn một người hòa hợp để đồng hành cùng mình

Bạn có biết câu nói đau lòng nhất mà tôi từng được nghe là gì không? Mẹ đã nói với tôi rằng “Sau này, con đừng lấy người như bố nhé!”. “Môn đăng hộ đối” có thể không phải là về địa vị, tiền bạc mà là sự hòa hợp về cách suy nghĩ, cách sống và cảm nhận cuộc sống này.

***

Kết hôn có cần môn đăng hộ đối? Một cô gái hiện đại tự hỏi điều này, buồn cười nhỉ? 

Tôi đã từng xem qua không biết bao nhiêu bộ phim tình cảm mà hai nhân vật chính đã phải chịu rất nhiều nhưng sóng gió vì môn không đăng, hộ không đối, chuyện tình hoàng tử và lọ lem, vua và cung nữ, thiếu gia và người hầu…Và tình yêu, càng cấm cản, lại càng mãnh liệt, vì thế tôi hiểu nỗi khổ sở của họ, cũng ngưỡng mộ tình yêu của họ. Cái kết mà tôi và gần như bất cứ người xem nào mong muốn, là một đám cưới, hai con người hạnh phúc. Nhưng cái gọi là “từ đó, họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” dường như chỉ có trong truyện cổ tích. 



Câu chuyện tình đẹp ấy là câu chuyện tình trên màn ảnh, và kết thúc của nó là một đám cưới. Nhưng trong cuộc sống, không phải cặp đôi nào cũng vậy, và đời người, không phải chỉ sống cho đến khi kết hôn. Càng sống với nhau, càng hiểu về nhau, có khi lại càng xảy ra nhiều xung đột và dễ dàng xa cách.

Mẹ tôi là một cô gái khá giả, con quan chức, trong thời kì bao cấp, thuộc loại nhà có thịt để ăn. Còn bố tôi là con nhà nông, lụp xụp những rơm những rạ. Ông ngoại tôi là người có tư tưởng cởi mở, vậy nên không vì gia cảnh không đăng đối mà ngăn cấm bố mẹ tôi. Và như thế, bố mẹ tôi về chung một nhà.

Cho đến tận bây giờ, cũng gần 20 năm kết hôn, gia đình tôi được xem là một gia đình êm ấm. Chẳng có gì dẫn đến xung đột khi mẹ tôi là một người hiểu chuyện, chín chắn, mạnh mẽ, quyết đoán, bố tôi là một người đơn giản, hòa đồng, dễ thích nghi và hiểu lý lẽ. Tuy nhiên, vì mẹ tôi là người mạnh mẽ, quyết đoán nên nhiều khi mẹ cảm thấy không thể dựa dẫm vào bố, không thể bé nhỏ để được nuông chiều, vuốt ve như một người vợ, một người phụ nữ. Mà phụ nữ, ai chẳng muốn được chiều chuộng, được chăm lo, mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc mệt mỏi. Mọi chuyện lớn bé trong nhà gần như đều do mẹ tôi quyết định, một người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ, kiểu phụ nữ mạnh mẽ tự lập mà tôi yêu thích trên phim. Và người phụ nữ ấy, mẹ tôi, 20 năm mạnh mẽ, mẹ đã mệt rồi. 

1m_a_(1)

Nhưng cái không hợp, không chỉ là ở tính cách, mà còn ở nhu cầu. Mẹ tôi không chỉ cần những bữa cơm đầy đủ, những tháng ngày trôi qua không xung đột nhưng tẻ nhạt và buồn chán. Mẹ tôi thích được tặng hoa, thích không khí lãng mạn, thích những cử chỉ, lời nói ngọt ngào. Còn bố tôi, ông thấy những điều đó là rườm rà và không cần thiết. 

Ngày nọ ngày kia cũng giống như những ngày khác, chúc một vài câu lấy lệ và sáng hôm sau vẫn thức dậy bên nhau, chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì đặc biệt. Những nhu cầu ấy một phần đến từ hoàn cảnh gia đình. Dù sao, hai người đồng cảnh thì tâm hồn sẽ dễ dàng đồng điệu. Cũng là trong những bộ phim tôi xem, và những gì tôi nghe được, biết được (một đứa trẻ như tôi chỉ có thể tìm hiểu về thế giới khác thế giới của mình, trên mình và dưới mình, hầu hết qua những bộ phim), những người giàu, họ thích thưởng thức những thứ nghệ thuật đắt tiền, thú vui của họ phải đắt, phải độc, và phải đẹp. 



Cuộc sống của họ, một phần nào đó mang màu sắc nghệ thuật và có tính thẩm mĩ. Còn những người ở tầng lớp dưới, những người nghèo, mong muốn của họ là được sống, sống sót, qua ngày. Một buổi hoàng hôn đẹp chẳng là gì với những người nông dân đang cặm cụi trong nóng bức, làm nốt phần việc của mình trên đồng ruộng. Một bầu trời đẹp chẳng có nghĩa lý gì với một cái bụng đói. Không phải ai cũng có khả năng thưởng thức cái đẹp. Một tâm hồn cần sự lãng mạn và một tâm hồn đơn giản chỉ thấy lãng mạn là điều cầu kì và vô nghĩa thì chắc hẳn không thể hòa hợp được.

binh_1

Phim, truyện cũng không phải chưa từng đi sâu vào vấn đề này. Ngay từ những câu chuyện ngày xưa, trong tích chèo dân gian, tôi đã từng biết một nàng Xúy Vân giả dại để đi theo tiếng gọi của tình yêu, dù chồng nàng là một người tốt, có học thức. Tuy nhiên, khát vọng công danh của Kim Nham không thể hòa hợp được với khát vọng hạnh phúc lứa đôi của Xúy Vân, vì vậy họ trở thành hai người “đồng sàng” mà “dị mộng”.  Khi học tác phẩm ấy, bất giác, tôi nghĩ đến mẹ và cảm thấy thương mẹ vô cùng.

Bạn có biết câu nói đau lòng nhất mà tôi từng được nghe là gì không? Mẹ đã nói với tôi rằng “Sau này, con đừng lấy người như bố nhé!”. “Môn đăng hộ đối” có thể không phải là về địa vị, tiền bạc mà là sự hòa hợp về cách suy nghĩ, cách sống và cảm nhận cuộc sống này.

*Theo blogradio.vn
Nguồn: https://blogradio.vn/chon-mot-nguoi-hoa-hop-de-dong-hanh-cung-minh-nw238400.html










Ứng dụng đọc báo, tin tức 24h hằng ngày, luôn cập nhật bao moi, nội dung phong phú đa dạng như: Tài Chính, Kinh Tế, Xã Hội, Pháp Luật ….. Hỗ trợ bạn đọc báo dễ dàng, nhanh chống và tiện lợi với đầy đủ các tin hot cập nhật liên tục 24h.